.

Làm thuê hay làm chủ P3

Trong hai phần trước chúng ta đã nói nhiều về làm thuê và làm chủ. Hôm nay, tôi sẽ trình bày quan điểm cá nhân tôi về vấn đề làm thế nào để thay đổi tư duy làm thuê.

Trước tiên, bản thân tôi cũng thắc mắc không hiểu tại sao Việt Nam ta lại có tư tưởng bài xích và ghét người giàu. Những câu chuyện cổ tích của ta tuy mang nhiều tính giáo dục nhưng cứ hễ người giàu thì đó là kẻ xấu. Đó là phú ông, phú hộ, bá hộ, lão nhà giàu… toàn những người gian ác.

Nhưng tôi cũng ngạc nhiên là những nhân vật tốt trong truyện, cuối cùng lại “sống GIÀU CÓ và hạnh phúc bên nhau đến suốt đời”. Tôi tự mình đặt câu hỏi: “Nếu câu chuyện không kết thúc ở đó, thì những nhân vật tốt kia, giờ đã trở nên giàu có, có trở thành lão bá hộ độc ác tham lam không?”



Tôi tin là không, những nhân vật đó đều là những người rất tốt bụng, giỏi giang, chịu thương chịu khó. Làm sao họ trở nên xấu xa được. Vậy là bản thân truyện cổ tích có mâu thuẫn. Rõ ràng, không phải người giàu nào cũng xấu, vẫn có những người giàu tốt bụng, tài giỏi. Nhưng tôi, khi không còn là trẻ con nữa, mới nhận ra điều này. Vậy những đứa con Việt Nam, lớn lên từ dòng sữa cổ tích như vậy, sao lại không ghét người giàu và làm giàu cho được?

Lịch sử Việt Nam ta cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy làm chủ, làm giàu của người dân ta. Tôi cũng không dám tùy tiện kết luận nguyên nhân là tại sao, nhưng rõ ràng trong suốt một bề dày lịch sử phong kiến, nước ta ít coi trọng giao thương, buôn bán, và công nghiệp mà chỉ coi trọng khoa bảng và nông nghiệp.

Khi mà các nước xung quanh có những đoàn thuyền buôn hàng trăm chiếc đi khắp nơi trên thế giới giao thương, trao đổi hàng hóa, khi mà Nhật Bản xây dựng thương cảng Hội An ở Quảng Nam rồi sau đó người Trung Hoa sửa chửa, gầy dựng lại thật sầm uất, nhộn nhịp, thì nước ta vẫn chẳng có hải cảng nào đáng kể cho thương nhân nội địa.



Trải qua giai đoạn bao cấp, mọi thứ đều là “xin, cho, cấp, phát”, người dân ta cũng đã quen với suy nghĩ “xin việc”. Chỉ cần xin được một việc làm thì sẽ được cấp gạo ăn, cấp nhà ở, con cái được học hành, có lương hưu khi già, có cuộc sống không đến nỗi nào quá nghèo khổ.

Những tư duy đó đã lạc hậu, cũ kỹ và lỗi thời hết cả rồi.

Nhưng chúng ta vẫn nghe cha mẹ dạy con cái: “Con cố gắng học cho thật giỏi, sau này XIN được một việc làm tốt, ổn định, làm cho nó đỡ khổ.”

Thầy cô giáo phổ thông dạy học sinh rằng: “Các em chọn ngành, chọn trường nên chọn ngành nào, trường nào phù hợp với mình và dễ XIN VIỆC để thi, để học.”

Giảng viên đại học thì dạy sinh viên rằng: “Trước khi các bạn ra trường, tôi sẽ hướng dẫn các em cách viết CV, cách làm hồ sơ và cách trả lời phỏng vấn khi XIN VIỆC.”

Thế đấy, đó là những con người trẻ, có sức khỏe, có khả năng học hỏi, có đam mê, có nhiệt huyết, có kiến thức, hiểu biết, là tầng lớp trí thức, là những con người ưu tú của xã hội, nhưng tư duy của họ thì chỉ gắn liền với 2 chữ LÀM THUÊ và XIN VIỆC. Cả cuộc đời đi xây dựng ước mơ cho người khác, chả trách sao Việt Nam ta mãi mãi cứ nghèo, còn những nước thuê mướn lao động của nước ta lại ngày một giàu có hơn lên?

Chúng ta cần thay đổi, cần xóa bỏ tư duy đó. Vậy thay đổi thế nào?

Trước tiên, đó phải là thái độ với việc làm giàu và làm chủ. Như đã nói ở trên, làm giàu là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Và làm chủ là một cách hiệu quả để làm giàu và làm giàu chính đáng, cũng như là cách để con người ta làm chủ cuộc sống, công việc và thời gian của chính mình, để cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp hơn.

Thứ hai, chúng ta cần loại bỏ những tư tưởng “dạy con làm thuê” mà hãy “dạy con làm chủ” hoặc “dạy con làm giàu”.

Cha mẹ dạy con cái hãy dạy rằng: “Con phải cố gắng học thật giỏi, để có thể gầy dựng được một cơ nghiệp của riêng mình, sử hữu nhiều doanh nghiệp, nhiều tài sản và trở nên giàu có”

Giáo viên phổ thông hãy dạy học sinh mình rằng: “Các em phải chọn những ngành mình yêu thích. Hãy học không những kiến thức từ nhà trường, sách vở, mà hãy học tất cả những gì em thấy có ích, em cần để thành công. Học từ nhiều môi trường khác nhau. Công việc đó, có thể sẽ gắn bó với em suốt đời, nên các em hãy chọn việc mình yêu thích. Và hãy cố gắng để làm chủ, để giàu có, thành công từ công việc em yêu thích đó.”

Giảng viên Đại học hãy dạy học sinh mình rằng: “Trước khi các em ra trường, tôi sẽ hướng dẫn các em cách viết hồ sơ và trả lời phỏng vấn khi xin việc. Đồng thời, tôi sẽ hướng dẫn các em cách làm hồ sơ xin thành lập công ty và các bước cần thiết để khởi nghiệp, để xây dựng một công ty phát triển. Bước đầu tiên khi mới ra trường, các em có thể đi làm thuê. Nhưng các em không được có suy nghĩ sẽ làm thuê suốt đời. Cuộc sống các em còn rất dài và các em cần phải làm chủ cuộc sống, thời gian và công việc của mình. Hãy không ngừng học hỏi. Hãy làm chủ và làm giàu. Hãy đóng góp cho xã hội. Hãy sống thật vui vẻ và hạnh phúc”

Mục tiêu cuối cùng trong tất cả các hành động của con người là đều nhằm đến một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và ngày càng vui vẻ, hạnh phúc hơn. Bất cứ cái gì khiến cho bạn vui vẻ, hạnh phúc hơn đều đáng để bạn làm cả. Và nếu như làm chủ cho bạn một cơ hội để làm được điều ấy, thì sao bạn không thử nhỉ? Mọi kết quả trong tương lai đều là do bạn quyết định của bạn hôm nay.

Chúng ta vừa trao đổi một số vấn đề liên quan đến loại bỏ tư duy làm thuê. Trong phần cuối của loạt bài, chúng ta sẽ bàn về làm thế nào để xây dựng tư duy làm chủ. Mời các bạn đón xem.

-nguyencongblog.com-
Chia sẻ lên Google+
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment